Kinh tế suy thoái, người dân châu Âu oằn mình vì chi phí nhà ở

Giá mua và giá thuê nhà tăng vọt trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thất nghiệp gia tăng đang khiến người dân tại nhiều quốc gia châu Âu phẫn nộ.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế sâu sắc của châu Âu do Covid-19, hàng triệu việc làm bị mất đã khiến thu nhập và sinh kế của người dân không còn. Nhiều người lo sợ trước tương lai tài chính bấp bênh.

Trong khi đó, sự bùng nổ về giá bất động sản đã nới rộng khoảng cách giữa người có nhà và người không nhà, làm dấy lên sự tức giận của nhiều người về bất bình đẳng nhà ở khi thị trường này dường như đang trở bị phá vỡ. Nhiều chủ nhà đang hưởng lợi khi giá thuê và mua nhà tăng lên, nhưng những người khác lại đang phải vật lộn với giá thuê cao, chất lượng nhà ở kém, hoặc không thể mua được nhà.

Tuần trước, sự thất vọng của người dân Berlin đã lên cao khi họ ủng hộ đề xuất quốc hữu hóa bất động sản của các doanh nghiệp lớn nhằm kiểm soát giá thuê nhà và giải quyết khủng hoảng nhà ở tại thành phố này.

Jenny Stupka thuộc nhóm đứng sau cuộc trưng cầu dân ý cho biết: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục trả tiền thuê nhà quá cao chỉ để mang lại thật nhiều lợi nhuận cho các tập đoàn lớn”.

Đại dịch thúc đẩy sự bất bình đẳng về kinh tế đã làm lộ ra những lỗ hổng trong quyền sở hữu nhà ở, vốn thường được phân chia theo thế hệ. Trong khi tầng lớp trí thức được trả lương cao có thể làm việc tại nhà, có vô vàn những người lao động nhận lương thấp hơn lại bị mất việc làm và giảm thu nhập.

Giá nhà tăng nhanh hơn lạm phát ở tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vào năm 2020, điều chưa từng xảy ra suốt hai thập kỷ qua. Kể từ năm 2010, giá nhà trong khu vực đồng euro đã tăng hơn 30%. Giá thuê đã tăng 15% trong cùng kỳ, tạo thêm áp lực tài chính cho nhiều người. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng đây là một “xu hướng đáng lo ngại” khi tình trạng bất bình đẳng nhà ở đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Gánh nặng tiền thuê

Tại Berlin, thị trường cho thuê nhà giá rẻ đã chấm dứt vào đầu năm nay khi tòa án hiến pháp đảo ngược quyết định liên quan tới giới hạn tiền thuê. Động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và cuộc trưng cầu dân ý gần đây để buộc chính phủ thu mua tài sản từ các doanh nghiệp bất động sản lớn. Vẫn chưa rõ liệu chính quyền có thực hiện đúng kế hoạch trước sức ép của các cử tri hay không, nhưng điều này có thể dẫn đến các cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Ở Đức, nơi gần 50% hộ gia đình là người thuê nhà, một người trung bình chỉ chi hơn 1/4 thu nhập khả dụng cho nhà ở. Còn hiện nay, chi phí thuê nhà đã tăng lên mức 50% thu nhập. Ngay cả với những người có một công việc tốt và thu nhập trung bình thì đây vẫn là một tỷ lệ quá cao.

“Hotel mama”

Những người trẻ tuổi tại châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương bởi cuộc sống bấp bênh. Họ thường bị mắc kẹt trong những công việc tạm thời, được trả lương thấp và ít có khả năng sở hữu nhà hơn so với thế hệ trước.

Hy Lạp, nơi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 15%, là một ví dụ điển hình, với hơn 62% người từ 25 đến 34 tuổi đang phải sống nhờ cha mẹ, hay còn gọi là hiện tượng “hotel mama”.

Những người chuyển ra ngoài ở riêng thường phải kiếm từng xu để tồn tại. Chi phí nhà ở trung bình tại Hy Lạp chiếm khoảng 40% thu nhập khả dụng, gấp đôi mức trung bình của EU. Đặc biệt, 37% người đang nợ tiền vay thế chấp, tiền thuê nhà hoặc hóa đơn điện nước. Một ngôi nhà có cửa sổ mới, sàn đẹp và không có nấm mốc trên tường có giá khoảng 500-600 euro.

Chi phí thuê nhà cao khiến nhiều người trẻ Hy Lạp quyết định tiếp tục sống tại “hotel mama” để tiết kiệm chi phí cho các hoạt động như du lịch hay giải trí, bất chấp các hạn chế khi sống chung như gặp gỡ bạn bè tại nhà.

Vết thương mới, vết sẹo cũ

Ở phía bên kia của châu Âu, Ireland đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở hiện tại cũng như “vết sẹo” lâu dài khi bong bóng bất động sản nổ tung vào năm 2008 gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Tỷ lệ sở hữu nhà hiện chỉ còn dưới 70%, giảm mạnh so với mức gần 82% từng được ghi nhận trong giai đoạn 1994 – 2007 khi kinh tế tăng trưởng vượt bậc nhờ các khoản đầu tư nước ngoài.

Tình trạng thiếu nhà ở đang khiến giá cả tăng cao, khiến người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho việc thuê nhà và càng khó tiết kiệm đủ để thanh toán khoản trả trước để mua nhà.

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn

Khả năng chi trả chỉ là một phần của câu chuyện nhà ở tại một số quốc gia châu Âu.

Ở Romania, một trong những nước nghèo nhất trong khối, tình trạng quá tải nhà ở và không đủ hệ thống sưởi chỉ là hai ví dụ về những khó khăn mà một số người dân phải đối mặt. Sau14 năm kể từ khi gia nhập EU, 1/5 người Romania vẫn thiếu nhà vệ sinh, bồn tắm hoặc vòi hoa sen trong nhà. Lithuania nằm ở vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng với dưới 9%.

Người chiến thắng

Giá nhà đã tăng ở khắp mọi nơi trong EU ngoại trừ Tây Ban Nha, Síp và Ý kể từ đầu năm 2010. Estonia đã ghi nhận mức tăng đáng kinh ngạc nhất lên tới 130%.

Trong bối cảnh này, những người đã sở hữu nhà ở từ sớm đang là những người giành chiến thắng tạm thời.

Lauri Kool, một cố vấn truyền thông 35 tuổi ở Tallinn, đã mua một ngôi nhà ở ngoại ô Moscow gồm 1 phòng ngủ với giá 42.000 euro vào năm 2013. Anh đã bán được ngôi nhà này với giá gấp đôi, đạt lợi nhuận hơn 60% vào đầu năm nay trước khi chuyển đến một ngôi nhà 3 phòng ngủ trị giá 176.000 euro trong một khu dân cư sắp phát triển gần trung tâm thành phố.

Anh nói: “Mọi người mua nhà có lẽ đều muốn ổn định. Nhưng nếu các khu vực lân cận phát triển với các nhà hàng, công viên, hệ thống giao thông và thương mại sầm uất thì bạn hoàn toàn có thể xem xét việc đổi nhà lần nữa để kiếm lời”.

Những lời cảnh báo

Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy thị trường nhà đất đang có những cảnh báo bong bóng kiểu năm 2008, kèm theo nguy cơ mất cân bằng của hệ thống tài chính và sự bất bình đẳng sâu sắc hơn.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đã cảnh báo rằng giá nhà đã tăng mạnh hơn trong đại dịch so với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Ngân hàng này cho biết nếu lãi suất và chi phí đi vay tăng, thì ngành bất động sản sẽ vô cùng dễ bị tổn thương.

Các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu cũng đang phải đối mặt với chỉ trích vì đã thúc đẩy rủi ro bong bóng nhà ở thông qua việc giảm lãi suất và các chương trình kích thích kinh tế để chống lại tác động của Covid-19.

Trước áp lực giá nhà tăng, nhiều ngân hàng trung ương đã phải thay đổi chiến lược. Trong động thái mới nhất, Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuyên bố sẽ bắt đầu xem xét chi phí nhà ở khi đánh giá lạm phát tại 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *